Trang chủ / Kiến thức F0 / [Chương 1] – Bài 7 – Cách xem bảng giá chứng khoán
Kiến thức F0

[Chương 1] – Bài 7 – Cách xem bảng giá chứng khoán

Cách xem bảng giá chứng khoán là điều không thể thiếu đối với NĐT muốn tham gia thị trường chứng khoán, trước tiên cần mở tài khoản để thực hiện giao dịch. Và muốn mua bán được cổ phiếu thì bạn phải biết đọc bảng giá chứng khoán. Kỹ năng đọc bảng điện rất quan trọng để nhà đầu tư(NĐT) có thể nhận biết được cổ phiếu nào đang hút được dòng tiền thông qua tốc độ khớp lệnh, khối lượng ở từng lệnh khớp và đặc biệt mỗi cổ phiếu đều có 1 đặc trưng giao dịch khác nhau.

Cách đọc bảng giá chứng khoán

Việc nắm được cách đọc bảng giá chứng khoán là điều rất quan trọng, không những đối với người mới tham gia vào thị trường mà cả với người chơi đã có kinh nghiệm. Và để hiểu hơn về cách đọc bảng chứng khoán, NĐT cùng theo dõi những hướng dẫn chi tiết dưới đây:

Cột Mã CK (Mã chứng khoán)

Trong cách đọc bảng chứng khoán thì cột Mã Ck là danh sách các mã chứng khoán hiện đang được giao dịch trên sàn. Danh sách này sẽ được sắp theo đúng theo thứ tự từ A đến Z. Ở đây, ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ cung cấp cho mỗi công ty chỉ một mã chứng khoán riêng và duy nhất.

Để dễ nhận biết và thực hiện giao dịch thì mã chứng khoán sẽ được chọn là tên viết tắt của công ty. Do vậy, việc tìm kiếm công ty trên sàn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Lưu ý, tại ô Nhập mã CK, NĐT chỉ cần nhập đúng mã thì sẽ tìm thấy kết quả chính xác.

Ví dụ: Công ty cổ phần sữa Việt Nam có mã VNM; ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển VN có mã BID.

Cột TC (Màu vàng – Giá tham chiếu)

Cột TC dùng để hiển thị mức giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất trước đó và hầu như là mặc định. Dựa trên giá tham chiếu mà tính toán ra giá trần và giá sàn của trên từng sàn giao dịch khác nhau.

Đối với sàn UPCOM sẽ có một chút khác biệt so với hai sàn niêm yết là HOSE và HNX. Bởi vì giá tham chiếu ở đây sẽ được tính theo giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất. Do đó, NĐT cần lưu ý đến vấn đề này nếu chưa từng thực hiện giao dịch trên sàn UPCOM.

Cột Trần (Màu tím – Giá trần)

Theo hướng dẫn cách đọc bảng chứng khoán thì Giá trần – Màu tím chính là mức giá cao nhất mà NĐT có thể đặt lệnh mua, thậm chí cả lệnh bán chứng khoán trong ngày giao dịch đó. Trên mỗi sàn, mức giá trần sẽ có sự khác nhau, cụ thể là:

  • Sàn HOSE: So với giá tham chiếu thì giá trần sẽ tăng +7% để đạt tới ngưỡng “cao nhất”.
  • Sàn HNX: So với giá tham chiếu thì giá trần sẽ tăng +10% để đạt tới ngưỡng “cao nhất”.
  • Sàn UPCOM: So với giá bình quân giao dịch ngay liền trước thì giá trần sẽ tăng +15% để đạt được ngưỡng “cao nhất”.

Cột Sàn (Màu xanh lam – Giá sàn)

Trái ngược với cột Trần, ở đây cột Sàn thể hiện mức giá thấp nhất khi đặt lệnh mua/bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Tương tự, mỗi sàn giao dịch khác nhau thì mức giá sàn sẽ khác nhau.

  • Sàn HOSE: So với giá tham chiếu thì giá trần giảm -7%, chạm mức thấp nhất.
  • Sàn HNX: So với giá tham chiếu thì giá trần giảm -10%, chạm mức thấp nhất.
  • Sàn UPCOM: So với giá bình quân phiên giao dịch liền trước thì giá sàn giảm 15%, chạm mức thấp nhất.

Sau khi xem xét cả hai cột Sàn và Trần, NĐT nhận thấy được biên độ dao động của mỗi sàn chứng khoán. Cụ thể như sau:

  • Sàn HOSE: Giá chứng khoán sẽ dao động với biên độ ±7%.
  • Sàn HNX: Giá chứng khoán sẽ dao động với biên độ ±10%.
  • Sàn UPCOM: Giá chứng khoán sẽ dao động với biên độ ±15%.

Dựa theo biên độ, khi đặt lệnh mua/bán đối với cổ phiếu thì chỉ được đặt trong khoảng này, nếu không thì sẽ không khớp lệnh. Đồng nghĩa với việc các giao dịch mua hoặc bán cổ phiếu sẽ không được thực hiện.

Cột tổng khối lượng

Cột này thể hiện tổng khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong ngày đó. Mỗi ngày sẽ có khối lượng riêng, dựa trên cột này NĐT có thể tính toán được tính thanh khoản của cổ phiếu. Bên cạnh đó, họ có thể đánh giá được tình hình thực hiện giao dịch trên thị trường.

Cột bên mua

Ở cột này thể hiện 3 mức giá đặt mua “tốt nhất”, kèm theo là khối lượng đặt lệnh tương ứng mà NĐT có thể tham khảo. Cách xem bảng chứng khoán cụ thể sẽ gồm 3 cột như sau:

  • Cột Giá 1 và KL 1: Thể hiện mức giá đặt mua “cao nhất” hiện tại, cùng với khối lượng đặt mua tương ứng. Đây cũng là lệnh được “ưu tiên” hàng đầu trong giao dịch.
  • Cột Giá 2 và KL 2: Thể hiện mức giá đặt mua cao thứ hai, kèm theo khối lượng đặt mua tương ứng. Về mức độ ưu tiên, lệnh này chỉ đứng sau lệnh Giá 1.
  • Cột giá 3 và KL 3: Thể hiện mức giá thấp nhất trong 3 cột, tương tự như vậy thì mức độ ưu tiên sẽ đứng sau lệnh Giá 2.

Cột bên bán

Tương tự với cột Bên mua, cột Bên bán sẽ thể hiện 3 mức đặt giá tốt nhất, trong đó:

  • Cột Giá 1 và KL 1: Thể hiện mức giá bán thấp nhất ở hiện tại cùng với khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh này được ưu tiên hàng đầu trong các giao dịch.
  • Cột Giá 2 và KL 2: Thể hiện mức giá bán cao hơn cột đầu, kèm theo khối lượng giao dịch tương ứng. Xét về độ ưu tiên thì lệnh này chỉ đứng sau lệnh Giá 1.
  • Cột Giá 3 và KL 3: Cột này xếp thấp hơn so với hai lệnh kia và mức độ ưu tiên đứng sau lệnh mức Giá 2.

Đây là thông tin về 3 mức giá mua và bán được hiển thị trên hệ thống, bởi đây là những mức giá tốt nhất. Bên cạnh đó còn có những mức giá khác, tuy nhiên không được liệt kê ở đây vì NĐT sẽ phải tiếp nhận quá nhiều thông tin. Đối với cách đọc bảng chứng khoán, NĐT cần chú ý đến lệnh ATC hoặc ATO, đặc biệt là khi lệnh này xuất hiện thì chúng sẽ nằm ở cột Giá 1 và KL 1 của Bên mua và Bên bán.

Cột khớp lệnh

Cột Khớp lệnh được biểu thị trong các cột tương ứng, đó là Giá, KL và +/-. Cụ thể về cách đọc bảng chứng khoán trong cột khớp lệnh như sau:

  • Cột Giá: Biểu thị mức giá khớp lệnh, được tính trực tiếp trong phiên giao dịch hoặc cuối ngày giao dịch.
  • Cột KL: Biểu thị chính xác nhất khối lượng cổ phiếu khớp, kèm theo đó là mức giá khớp lệnh tương ứng.
  • Cột +/-: Biểu thị sự thay đổi giá cả khi được so sánh với Giá tham chiếu của TTCK.
Cách xem bảng giá chứng khoán
Cách xem bảng giá chứng khoán

Cột giá

NĐT cần lưu ý trong cột Giá các thông tin về Giá cao nhất, Giá TB, Giá thấp nhất. Cách đọc bảng chứng khoán chính xác như sau:

  • Giá cao nhất: Biểu hiện mức giá cao nhất khớp lệnh, được tính bắt đầu từ đầu phiên đến thời điểm hiện tại.
  • Giá thấp nhất: Biểu hiện mức giá thấp nhất khớp lệnh, được tính từ đầu phiên đến thời điểm hiện tại.

Cột Dư mua/Dư bán

Cột này hiển thị khối lượng cổ phiếu đang nằm chờ khớp lệnh. Khi kết thúc ngày giao dịch, số lượng cổ phiếu không được khớp lệnh sẽ được hiển thị ở cột Dư mua/Dư bán.

Cột đầu tư nước ngoài Mua/Bán

Là khối lượng cổ phiếu được thực hiện giao dịch bởi nhà đầu tư nước ngoài trong ngày.

Trên đây là những thông số cơ bản cần đọc hiểu ở bảng giá chứng khoán. Khi bạn theo dõi lâu, thường xuyên một vài cổ phiếu, bạn sẽ tích lũy dần kinh nghiệm, biết được câu chuyện, sự biến động đằng sau đó. Đặc biệt đối với cổ phiếu có yếu tố “đầu cơ” cao, làm giá hoặc đội lái thì kỹ năng đọc bảng điện càng đóng vai trò quan trọng, vì điều này sẽ giúp NĐT tự trả lời được các câu hỏi như:

  • Đây có phải là cung cầu ảo (chênh lệch) hay cung cầu thật?
  • Đây có phải là khớp lệnh thực sự hay trao tay, rang lạc, đảo hàng tạo thanh khoản của nhà cái.
  • Đây có phải là hành động đè giá, gom hàng, đẩy giá, thoát hàng.
  • Đây có phải là kiểu giao dịch tích lũy trước khi bùng nổ.

Những NĐT theo trường phái đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, đầu cơ thì kỹ năng đọc bảng điện càng đóng vai trò quan trọng. Việc hoàn thiện và nâng cao kỹ năng đọc bảng điện đòi hỏi NĐT cần có thời gian quan sát diễn biến khớp lệnh hàng ngày và sự tập trung qua từng phiên giao dịch.